Trường THPT Gia Nghĩa kỉ niệm 5 năm thành lập trường

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sáng ngày 15/11/2013, trong khí thế thi đua sôi nổi của cả Nước hướng về ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20-11, được sự nhất trí của thị ủy, UBND thị xã Gia Nghĩa và Sở GD & ĐT Đăk Nông, Trường THPT Gia Nghĩa long trọng tổ chức Kỷ niệm 31 năm Ngày hiến chương các Nhà giáo Việt nam (20/11/1982 – 20/11/2013) và 05 năm thành lập trường THPT Gia Nghĩa 23/07/2008 – 23/07/2013. Đến dự có đồng chí Trương Anh – TUV-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Phan Thanh Thái-Chủ tịch CĐN giáo dục.

ảnh (2)

Sự ra đời của trường THPT Gia Nghĩa là sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền địa phương, cũng là tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đổi mới. Tự hào với truyền thống quê hương, hôm nay trong buổi lễ trọng thể này, chúng ta cùng nhau ôn lại những chặng đường đã qua với biết bao kỉ niệm sâu sắc.

Kể từ khi quyết định thành lập(23/07/2008) đến tháng 1 năm 2008, nhà trường đã có một khu đất được giải phóng ở khu đồi Dâu thuộc phường Nghĩa Tân nhưng công tác kiến thiết xây dựng trường thì lại gặp muôn vàn khó khăn, do thiếu vốn đầu tư công tác thi công kéo dài hơn hai năm, một công trình nhà ba tầng phải qua ba nhà thầu mới hoàn tất. Cơ sở vật chất ban đầu chưa có, văn phòng của trường được đặt nhờ tại trường THPT Chu Văn An. Biết bao khó khăn, vất vả, chật vật của buổi ban đầu để có ngày hôm nay quả là một kỷ niệm đáng nhớ.

Buổi đầu biết bao công việc bộn bề để chuẩn bị cho việc tổ chức, ổn định công tác dạy và học khóa học đầu tiên. Việc lo cơ sở vật chất để tổ chức dạy và học, vừa lo công tác tổ chức của nhà trường, từ đó Chi bộ Đảng, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chuyên môn của trường được thành lập. Trường ban đầu chỉ có 3 đồng chí Đảng viên. Ngày 5 tháng 9/2008, lễ khai giảng đầu tiên của trường đã được tổ chức; tiếng trống khai giảng đầu tiên được vang lên tại trường THPT Chu Văn An, khoá học đầu tiên với 871 HS được biên chế làm 03 khối lớp với 20 lớp: Khối 10 tuyển mới, khối 11 và 12 là học sinh các lớp bán công của trường Chu Văn An cắt sang, học lực của các em yếu kém chiếm đa số. Trong hoàn cảnh khó khăn chưa có trường lớp, học sinh phải đi học nhờ, chỗ làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó, thư ký hội đồng dồn trong một căn phòng vừa nhỏ vừa hẹp là phòng đợi của Giáo Viên. Phòng đợi cùa Giáo viên cũng chính là phòng làm việc của Lãnh đạo nhà trường.

Từ năm học 2008 đến 2012, nhà trường được giao chỉ tiêu hơn 800 học sinh với 20 lớp, nhưng cả trường duy nhất chỉ có một ngôi nhà ba tầng với 23 phòng học nổi bât giữa khu đất trống, vừa làm phòng học, phòng làm việc của BGH, Văn phòng, VP đoàn TN, phòng thiết bị và phòng học. Nghĩ lại vẫn còn thấy ngại mỗi khi trời mưa đất từ cổng vào sân trường nhầy nhụa như bùn nhão, thầy và trò lên lớp nhiều khi phải xắn quần như lội ruộng. Xe máy, xe đạp của thầy, của trò thi gan cùng mưa nắng.

Thấu hiểu lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt”. Càng khó khăn ý chí nghị lực và sự quyết tâm của thầy và trò như càng được tăng thêm, phong trào thi đua dạy tốt- học tốt, các hoạt động văn hoá văn nghệ được đẩy mạnh. Cũng chính từ những khó khăn này phong cách học sinh THPT gia Nghĩa đã được hình thành.

Tháng 6/2009, các em học sinh khóa đầu tiên của trường đã tốt nghiệp ra trường với tỉ lệ 74,76 %, nhiều em đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Từ năm 2009 – đến năm học 2013 là giai đoạn nhà trường vừa tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ của ngành giao, ổn định đội ngũ, vừa tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất. Năm 2012, khu nhà Hiệu bộ được hoàn thành, cuối 2012 công trình hội trường đa năng đã được đưa vào sử dụng.

Từ năm học 2008 – 2009 đến nay, cơ sở vật chất của trường đã được hoàn thiện với 19 phòng học khang trang, kiên cố, có phòng chức năng, 1 nhà hiệu bộ, 1nhà đa năng, 02 phòng thiết bị, 02 phòng máy vi tính kết nối Internet, sân chơi, bãi tập, trang thiết bị đầy đủ và đồng bộ đáp ứng chương trình đổi mới giáo dục, Hệ thống vườn hoa, cây xanh cũng từng ngày tỏa hương, khoe sắc. Quy mô của trường đến nay khá ổn định với 22 lớp, với 741 học sinh, 64 cán bộ giáo viên, CNV.

Trong những năm qua nhà trường luôn chú trọng tập trung xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng dạy. Các khóa học trước mặc dù điểm tuyển vào trường còn rất thấp so với các trường trong tỉnh và địa bàn thị xã, nhưng tỉ lệ tốt nghiệp luôn đạt so với mặt bằng chung của Tỉnh. khó khăn lớn nhất của nhà trường là cơ sở vật chất và chất lượng đầu vào của học sinh, địa bàn của nhà trường nằm xa khu dân cư nên không thuận lợi cho công tác tuyển sinh lớp 10 hằng năm cộng với học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa không tăng về số lượng do đó phát triển về số lượng học sinh của nhà trường rất hạn chế.

Năm năm qua, thầy và trò trường THPT Gia Nghĩa luôn xác định lấy chất lượng giáo dục làm thước đo cho sự phát triển của nhà trường, do đó chất lượng giáo dục về văn hóa của nhà trường tăng đều từng năm. Tỉ lệ học sinh yếu kém giảm rõ rệt: năm 2008 – 2009 mới thành lập học sinh yếu kém của nhà trường chiếm 57,38%; đến năm 2012 – 2013 chỉ còn 35,36%. Tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng cao: năm 2008 – 2009: có 3,3% khá giỏi; đến năm 2012 – 2013 là 15,9%.

Năm 2009 – 2010: 74,76%

Năm 2010 – 2011: 78,85%

Năm 2011 – 2012: 100%

Năm 2012 – 2013: 95,5%

Tỉ lệ học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng hằng năm từ 30% – 40%.

Với những kết quả đã đạt được, nhà trường đã liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiếnTập thể lao động tiên tiến xuất sắc.

Năm năm đã trôi qua, cùng với sự đổi thay của tỉnh nhà, trường THPT Gia Nghĩa cũng không ngừng đổi thay và phát triển. Nhiều thế hệ học sinh đã ra trường đem sức lực và trí tuệ đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước. Trường THPT Gia Nghĩa đã đóng góp cho Sở giáo dục và đào tạo 04 cán bộ quản lý điều động đi các cơ sở giáo dục khác.

Nhiều thầy cô giáo đã về công tác tại trường nay đã chuyển sang môi trường mới vẫn luôn nhớ về mái trường Gia Nghĩa những ngày khó khăn, thiếu thốn, nhưng đầm ấm và yêu thương.

Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập trường, cũng là ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam là dịp chúng ta nhìn lại quá khứ để thấy được những gian khó và cả những nỗ lực vươn lên của thầy và trò trường THPT Gia Nghĩa. Chúng ta có quyền tự hào về năm năm ấy.