Quy chế mới về đào tạo trình độ thạc sĩ
Lượt xem:
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 ban hành quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. Theo đó, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ từ một đến hai năm học.
Cụ thể, tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với những ngành, chuyên ngành không thuộc quy định trên.
Phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ gồm: thi tuyển đối với người Việt Nam và xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam.
Việc tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức tối đa 2 lần mỗi năm.
Thi tuyển sinh bao gồm 3 môn thi, do thủ trưởng cơ sở đào tạo xác định, cụ thể như sau: Môn Ngoại ngữ và trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển đối với từng ngành, chuyên ngành đào tạo. Hai môn thi khác, trong đó có một môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành đào tạo, được xác định theo yêu cầu của ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ.
Đối với ngành, chuyên ngành đặc thù hoặc chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, cơ sở đào tạo có thể thay môn thi không chủ chốt quy định của thông tư bằng phương thức kiểm tra năng lực khác phù hợp với yêu cầu của ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo.
Những đối tượng được ưu tiên cộng điểm thi tuyển gồm: Người có thời gian công tác liên tục từ 2 năm trở lên ở địa phương thuộc Khu vực 1 trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Con liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; Người dân tộc thiểu số; Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
Thông tư cũng quy định rõ, thí sinh có năng lực ngoại ngữ đúng với yêu cầu môn thi ngoại ngữ của cơ sở đào tạo thuộc một trong các trường hợp sau được miễn thi môn ngoại ngữ: Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng theo quy định hiện hành; Có bằng tốt nghiệp đại học chương trình tiên tiến theo Đề án của Bộ Giáo dục – Đào tạo về đào tạo chương trình tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam hoặc bằng kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) được Ủy ban bằng cấp kỹ sư (CTI, Pháp) công nhận, có đối tác nước ngoài cùng cấp bằng; Có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Nguồn Dangcongsan.vn