Phó thủ tướng thay mặt người dân chất vấn các trường ĐH

Lượt xem:

Đọc bài viết

Học ở trường nào ra thì có việc làm? Làm sao để yên tâm đầu tư vào giáo dục, tổ chức thi thế nào để đảm bảo công bằng… là những câu hỏi mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lấy tư cách là một người dân chuyển đến những người làm công tác giáo dục.

Phát biểu mở đầu hội nghị “Hiệu trưởng các trường ĐH, Cao đẳng năm 2014” do Bộ Giáo dục tổ chức trực tuyến tại 6 tỉnh thành sáng 15/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề mà nhiều người dân quan tâm nhất, đi đâu cũng hỏi là con tôi cháu tôi học ở trường nào thì phù hợp nhất và học ở trường nào thì ra có việc làm, có thu nhập, học ở trường nào thì có cơ hội học tiếp, thăng tiến.

pho-tt-4590-1408095135.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Công.

Thứ hai, việc đầu tư vào giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục ĐH, CĐ và dạy nghề luôn luôn rất lớn, rất nhiều nhưng luôn thiếu trong khi nhu cầu học ĐH cao. Bằng chứng là rất nhiều người phải học nước ngoài rất đắt, hay thậm chí học các trường nước ngoài ở trong nước. Làm sao để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, cách nào để các trường công sử dụng tiền của dân hiệu quả hơn. Tự chủ thế nào, khuyến khích tự chủ ra sao. Tại sao có trường xin tự chủ không được, cũng có trường được tự chủ nhưng cũng không tự chủ.

Thứ ba, việc đổi mới thi cử đang được người dân rất quan tâm. Trên báo toàn người nổi tiếng và nhiều ý kiến khác nhau nhưng quan trọng nhất là người dân muốn thi thì làm sao rõ ràng: thi gì, như thế nào để công bằng và bớt nhiêu khê nhất.

“Đây là những mong muốn, thắc mắc của người dân tôi được nghe nhiều nhất và tôi cũng xin chuyển đến các đồng chí với tư cách của một người dân”, Phó thủ tướng nói.

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Mộng Giao – Phó hiệu trưởng ĐH Hùng Vương cho biết, thời gian qua trường Hùng Vương khá nổi tiếng nhưng không phải là tiếng hay mà là tiếng xấu.

“Từ một chỗ rất tối, rất xấu của giáo dục Việt Nam cho nên chúng tôi cũng nhìn ra những cái cần nói với Phó thủ tướng cũng như các đồng nghiệp. Chúng tôi kiến nghị khi bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng ĐH, nhất là với trường tư thục phải là những người có học vấn uyên thâm, nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng và phải có công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế, nếu không có thì không được bổ nhiệm”, ông Giao đề nghị.

sao-4078-1408095135.jpg
Phó hiệu trưởng ĐH Hùng Vương Nguyễn Mộng Giao. Ảnh: Hữu Công.

Theo ông Giao, nếu không như vậy người ta sẽ chọn những người phe cánh của mình để đưa lên chức vụ đáng lẽ ra phải rất cao quý đó để kiếm tiền. Vì không có trình độ nên phải dùng thủ đoạn để khống chế mọi người nên mới xảy vụ lùm xùm như thời gian qua.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hay – Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP HCM nêu vấn đề học phí và lương cán bộ giáo viên không hợp lý chính là mấu chốt ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường ĐH công lập. Vị hiệu trưởng dẫn chứng học phí sinh viên ĐH Nông Lâm hiện là 4,8 triệu/năm. Tất cả chi phí của trường từ lương giảng viên, quản trị vật tư, đủ mọi thứ đều lấy từ khoản thu này nên rất khó khăn, xoay sở. Lương Tiến sĩ học nước ngoài 5 năm về trường công chỉ được 5 triệu đồng mỗi tháng nên các trường rất khó giữ giảng viên. “Cần phải có chiến lược để giữ người”, ông nói.

Sau khi lắng nghe tất cả kiến nghị của hiệu trưởng các trường ĐH, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay “bắt đầu sau phổ thông cơ cấu như ma trận, nhìn mô hình thấy rất lằng nhằng” và yêu cầu Bộ Giáo dục phải làm sao để tương thích với thế giới. “Làm sao mình xác định bậc trung cấp như thế nào, bậc cao đẳng như thế nào khi mà ngay Cao đẳng có 3 loại (Cao đẳng nói chung, Cao đẳng nghề, Cao đẳng cộng đồng) rồi đến ĐH thì có ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng, ĐH thực hành… “, Phó thủ tướng nói.

ptt2-5197-1408095135.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bên lề hội nghị. Ảnh: Hữu Công.

Phó thủ tướng cũng cho rằng, về thi cử người dân chỉ mong muốn rõ ràng. Vì vậy Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục làm nghiêm túc để công bố rõ ràng, trước dịp khai giảng năm học mới. Đây là một kỳ thi quốc gia, kỳ thi này để làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông và làm căn cứ cho các trường làm công tác tuyển sinh trên tinh thần tự chủ.

Về vấn đề tự chủ, đầu tư trong giáo dục, ông Đam khẳng định chủ trương của Nhà nước khuyến khích đầu tư giáo dục, y tế, dịch vụ công theo quy định pháp luật. Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất, tài chính cho trường công. Bây giờ, cần khuyến khích tinh thần tự chủ. “Phải tính toán để các trường xin tự chủ, không để tình trạng tiền còn mấy chục tỷ trong két mà không tiêu được vì phải xin phép. Nhưng muốn tự chủ được phải mạnh dạn không xin ngân sách nữa. Ví dụ đơn giản bây giờ con cái ở với bố mẹ muốn tự chủ thời gian sinh hoạt thì phải ở riêng ra, không xin tiền bố mẹ nữa”, ông Đam nêu ví dụ.

Hữu Công (tin từ VNExpress.net)