Những ngôi trường trên ngọn đồi ở Ðắk Song
Lượt xem:
Hơn 10 năm trước, tôi có chuyến công tác tìm hiểu về các trường tại xã Ðắk Song và xã Thuận Hạnh (huyện Ðắk Song).
Dịp đó, đang là mùa mưa; đoạn đường nối từ Quốc lộ 14 về xã còn là đường đất, đèo dốc quanh co, lầy lội và trơn trượt. Ðến được các trường, chiếc xe U oát phải gầm rú nhào lên, tụt lại nhiều lần mới qua được những con dốc, dốc nối tiếp dốc, làm cho người ngồi trong xe thấy đường đi như là quá xa xôi…
Ngôi trường THCS Nguyễn Du (xã Thuận Hạnh) giờ đã khang trang, rợp bóng cây |
Nơi đầu tiên tôi đến là trường Tô Hiệu, thuộc địa bàn xã Ðắk Song, nay là xã Nam Bình. Trường được xây dựng chênh vênh trên ngọn đồi, trong khuôn viên chia cấp như những thửa ruộng bậc thang vùng Tây Bắc.
Trước cổng, hai bên và cả sau lưng trường là khoảnh đất trống, cây cỏ mọc um tùm. Ði qua mảnh sân đất là dãy phòng học dựa lưng vào vách đồi dựng đứng do máy xúc làm vội, rất thiếu sự an toàn. Tiếng là trường, nhưng thực ra chỉ có mấy phòng học, không có nhà hiệu bộ; không có công trình vệ sinh; sân trường phủ một lớp bùn đỏ…
Ðiều kiện dạy và học ở đây thật sự khó khăn, nhưng cô hiệu trưởng cho biết: Ðược như vậy là khá lắm rồi ạ, nhiều trường và phân hiệu khác chỉ có mái ngói, vách gỗ; có nơi còn mái tranh, vách nứa, lớp học xiêu vẹo, nghiêng ngả.
Theo lịch trình làm việc, tôi đến trường Kim Ðồng, nơi có hai cấp học, tiểu học và trung học cơ sở, nằm trên địa bàn xã Thuận Hạnh. Ðường lên sân trường phải đi vòng quanh, lượn từ dưới chân lên ngọn đồi, có độ cao trên chục mét so với mặt đường liên xã.
Một dãy nhà chơ vơ phơi mình trước những cơn gió dữ, bão bụi và những trận mưa lớn tạt thẳng vào vỉa hè. Khuôn viên trường không có một bóng cây, chỉ có đất sỏi lổm nhổm phủ đầy; đến giờ ra chơi, học sinh ngồi co ro trong lớp. Thầy hiệu trưởng tiếp chúng tôi tại một gian liền kề lớp học, ngổn ngang bàn ghế và thiết bị dạy và học.
Qua trao đổi, thầy hiệu trưởng cho biết, địa hình Thuận Hạnh là những ngọn đồi hình bát úp, tìm được khu đất bằng phẳng xây dựng trường khó lắm; nếu có, là xa khu dân cư hoặc là nằm dưới vùng trũng, mùa mưa ngập nước.
Tuy bây giờ xây dựng trên ngọn đồi, có những trở ngại, nhưng sau này, các ngọn đồi được san ủi, mở rộng mặt bằng xây dựng và trồng cây chắn gió, tạo khuôn viên sân trường cây xanh bóng mát sẽ thuận lợi hơn.
Chúng tôi tiếp tục đến một phân hiệu cách đó khá xa, trường cũng nằm trên ngọn đồi, không có đường để xe chạy lên trường, nên chúng tôi lội bộ lên con dốc có độ dài ba trăm mét. Ở đây, các phòng học cũng mái ngói, vách ván, dựa lưng chừng đồi.
Trong một phòng học vách gỗ đang xiêu vẹo, có nhiều cây chống phía sau, lớp đang học, các em ngồi sát vào một góc, cô giáo ngồi một góc, còn giữa lớp bỏ không, để cho từng hạt mưa tuôn xuống; từ những viên ngói đã vỡ, tạo một khoảng trống nhìn được cả bầu trời.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan đứng lớp bộc bạch, cô trò chúng em đã sống chung với mưa nắng trong lớp cũng như ngoài trời gần hết học kỳ rồi.
Những ngôi trường trên các ngọn đồi ngày đó cứ ám ảnh mãi trong tôi theo năm tháng, nó không chỉ là hình vật cụ thể của ngọn đồi và trường học, mà còn là hình ảnh nhọc nhằn của thầy cô giáo và các em học sinh, dù nhà xa hay gần, dù trời mưa hay nắng, cứ mãi lom khom leo lên con dốc để đến trường.
Chỉ có tấm lòng yêu nghề quý chữ, giúp thầy và trò họ đã vượt qua mọi thử thách, để rồi kể từ cái ngày đầu tiên của ngôi trường mái tranh, vách ván, thế hệ học trò ngày ấy bây giờ có người là cán bộ chủ chốt của thôn, của xã, có người làm cán bộ cấp huyện, có nhiều em là bác sĩ, kỹ sư và hàng ngàn nông dân có kiến thức phổ thông, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và phát triển kinh tế.
Tháng 10 vừa qua, tôi có dịp trở lại Thuận Hạnh, ngỏ ý tìm thăm lại những ngôi trường có dãy nhà gỗ xiêu vẹo ngày nào, thì được biết cách đây 5 năm, phân hiệu ấy trở thành Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.
Ðiều bất ngờ và ngoài sức tưởng tượng của tôi là vẫn trên ngọn đồi ngày ấy, với mặt bằng rộng lớn gần 3000 m2, bây giờ, Trường đã có cây cao, bóng mát, có vườn hoa, có nơi sinh hoạt thể dục thể thao, có nhà hiệu bộ khang trang. Tôi không chỉ xúc động trước ngôi trường có cảnh quan thoáng đẹp, quy mô, mà thán phục trước sức người đã chiến thắng được ngọn đồi kia.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Cường tiếp và giới thiệu với tôi về thành tựu của trường, sau 5 năm thành lập, trường có 11 lớp với 297 học sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên 21 người, 100% đạt chuẩn đào tạo và có 52% trên chuẩn; trường có nhiều học sinh và giáo viên đạt giỏi cấp huyện, hai giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Tôi hỏi thầy, nguyên nhân nào tạo nên sự thành công của trường về xây dựng cơ sở vật chất khang trang như hiện nay? Thầy hiệu trưởng khẳng định rằng, đó là nhờ sự đầu tư đúng mức của nhà nước, sự đóng góp to lớn của phụ huynh và nhân dân địa phương, đã biến ngọn đồi thành khuôn viên và ngôi trường hoàn chỉnh, “Trường ra trường, lớp ra lớp”, những phòng học chênh vênh trên ngọn đồi ngày ấy, giờ vẫn giữ lại cho khu tập thể giáo viên, và cũng là vật chứng lịch sử buổi sơ khai của trường đầy gian khó, để các thế hệ thầy trò hôm nay và mãi về sau phát huy truyền thống, dù khó khăn đến mấy vẫn “dạy tốt, học tốt”.
Hơn mười năm qua, kể từ khi huyện Ðắk Song được thành lập, các trường học ở Thuận Hạnh đã có những bước phát triển rất ấn tượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, điều kiện giảng dạy, đạt những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Những ngọn đồi trước kia giờ đã là “đất lành” cho những ngôi trường khang trang mọc lên.
Bài, ảnh: Tô Đình Tuấn