Nghiêm Thị Hồng Nhung-Cô giáo yêu nghề

Lượt xem:

Đọc bài viết

Đến tận bây giờ, cả cô giáo chủ nhiệm và 42 học sinh của lớp 12 B2, Trường THPT Đắk Song (Đắk Song) vẫn chưa thể nào quên được tâm trạng băn khoăn của những ngày đầu mới nhập học. Sở dĩ như vậy là vì lúc đó, toàn bộ học sinh lớp 12B2 đều là các thành viên được “gom” từ các lớp 11 khác nhau trong trường, được gọi là “lớp cá biệt”. “Cá biệt” ở đây không chỉ ở chuyện học sinh có học lực và hạnh kiểm trung bình, yếu, kém mà còn ở tính cách, cách suy nghĩ còn nông nổi, thiếu chín chắn…Đây cũng chính là chủ trương của nhà trường nhằm giúp các học sinh học lực yếu được “rèn” kỹ hơn về mọi mặt, có hướng phấn đấu hơn trong học tập

Vì là “lớp cá biệt” nên những ngày đầu mới nhận lớp, cô giáo Nghiêm Thị Hồng Nhung, chủ nhiệm lớp cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, ban đầu lớp thường xuyên có những biểu hiện không tốt như: vi phạm nội quy nhà trường; số lượng học sinh vi phạm bị lập biên bản nhiều, hầu hết các em đến lớp không học bài cũ, tình trạng cúp tiết liên tục xảy ra… Trong đợt khảo sát chất lượng đầu năm học, kết quả học tập của các em đều rất thấp, tỉ lệ học sinh yếu khá cao. Không những vậy, trong các phong trào thi đua do trường tổ chức thì lớp luôn xếp thứ hạng thấp nhất. Trước thực trạng đó, cô giáo Nhung đã trăn trở và quyết định phải bằng mọi cách để giúp các em nâng cao kết quả học tập, đồng thời rèn luyện cách sống trong môi trường có nền nếp và ý thức trách nhiệm, phải làm sao để “lớp cá biệt” không còn “cá biệt” nữa. Trước tiên, cô giáo Nhung luôn theo dõi, bám sát lớp, tìm hiểu đặc điểm riêng của từng học sinh để từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp. Cô Nhung nhận ra, đối với những em “cá biệt” thì thích ứng với phương pháp “mềm mỏng” hơn là các biện pháp cứng rắn, mang tính răn đe. Do đó, cùng với việc yêu cầu học sinh phải học thuộc nội quy để luôn có ý thức trong việc chấp hành các quy định do trường, lớp đề ra, cô giáo Nhung còn tăng cường gặp gỡ với phụ huynh của những em thường xuyên vi phạm, không tiến bộ để tìm giải pháp khắc phục hiệu quả nhất. Việc tiến hành xếp hạnh kiểm học sinh theo tháng và theo những lỗi vi phạm để đảm bảo tính công bằng cũng được thực hiện. Theo đó, em nào vi phạm từ 1 đến 3 lỗi sẽ được xếp hạnh kiểm tốt; từ 4 đến 7 lỗi là hạnh kiểm khá; từ 8 đến 11 lỗi là hạnh kiểm trung bình; còn trên 11 lỗi là hạnh kiểm yếu. Để kịp thời khích lệ học sinh phấn đấu, cô giáo Nhung đã nghiên cứu các hình thức động viên, khuyến khích cũng như xử phạt nghiêm minh, kịp thời nên đã khơi gợi được tinh thần thi đua, hạn chế được các tình huống vi phạm. Cô giáo chủ nhiệm còn thường xuyên trao đổi với giáo viên bộ môn để nắm rõ tình hình học tập của các em, rồi tìm các biện pháp nâng cao chất lượng. Mỗi khi gặp vấn đề gì khó khăn trong quá trình chủ nhiệm, cô giáo Nhung đều trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường để được hướng dẫn, giúp cho công tác giáo dục được ngày càng có hiệu quả hơn. Cô giáo Nhung cũng luôn khích lệ học sinh tham gia nhiệt tình các hoạt động tập thể của lớp để cô trò có điều kiện gần nhau, hiểu nhau hơn.

 

Sau một thời gian thực hiện đồng bộ các giải pháp, “lớp cá biệt” do cô giáo Nhung chủ nhiệm đã có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận, được Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên bộ môn nhận xét là lớp học đã dần có tổ chức và ngoan hơn. Tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng hầu như không còn nữa. Việc vi phạm các nội quy của trường, lớp chỉ còn lại ở một số cá nhân đặc biệt, còn lại phần lớn học sinh trong lớp đã có ý thức tự giác hơn trong học tập cũng như rèn luyện đạo đức. Các môn học như Toán, Lý, Hóa, Lịch sử… đã có điểm cao hơn hẳn so với kỳ thi khảo sát đầu năm. Môn Toán được xem là môn học yếu nhất của các em, đầu năm học, cả lớp chỉ có 5 bạn thi được trên điểm trung bình thì đến kỳ thi học kỳ một vừa qua đã có đến 15 bạn đạt điểm 10, còn lại đều đạt điểm trung bình và trên trung bình. Nếu như đầu năm học có đến trên 50% học sinh có học lực và hạnh kiểm yếu thì đến nay chỉ còn 7 em có học lực yếu và không có em nào bị hạnh kiểm yếu. Với những kết quả đạt được đã củng cố thêm niềm tin cho nhà trường, giáo viên trong việc tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung cũng như giúp các em học sinh được gọi là “cá biệt” có hướng vươn lên, nỗ lực trong học tập, trau dồi đạo đức.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền