Giáo dục bậc tiểu học từng bước nâng cao chất lượng
Lượt xem:
Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học, Ngành Giáo dục đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của bậc học ngày càng được nâng lên về mọi mặt.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 147 trường tiểu học, với gần 63.000 học sinh. Hàng năm, dựa vào các đợt kiểm tra, khảo sát cơ sở vật chất, Ngành Giáo dục đều tham mưu các cấp đầu tư về xây dựng cơ sở vật chất một cách hợp lý để dần thay thế phòng học tạm, phòng học mượn.
Nhờ đó, đến nay, toàn bậc học đã có trên 50% số trường có đủ phòng học kiên cố và bán kiên cố để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhằm thực hiện “bồi khá, nâng kém” và tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Nhiều đơn vị trường học cũng đã được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị phục vụ dạy học như máy tính, máy chiếu, bảng chống lóa…
Cùng với Ngành Giáo dục, nhiều địa phương cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 14 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, dẫn đầu số trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học.
Đội ngũ giáo viên luôn được khuyến khích và tạo mọi điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Trong tổng số trên 3.600 cán bộ, giáo viên thì bậc học này đã có 99,8% đạt trình độ chuẩn, trong đó có trên 60% đạt trình độ trên chuẩn.
Cùng với việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, các trường học đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học mới, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin như Trường tiểu học Bùi Thị Xuân ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp), Trường tiểu học Trần Phú và Nguyễn Bá Ngọc ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil), các Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Võ Thị Sáu và Nguyễn Thị Minh Khai ở Gia Nghĩa…
Tại các trường học, số lượng học sinh dân tộc thiểu số khá đông, trong khi đó, hầu hết các em khi vào lớp 1 đều yếu tiếng Việt, thậm chí rất nhiều em hầu như không biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông chính là trở ngại lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của bậc học. Chính vì vậy, dựa trên điều kiện thực tế ở các địa phương, Ngành Giáo dục đã lập “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số” qua các giai đoạn cụ thể.
Theo đó, ngoài việc lồng ghép qua tất cả các hoạt động thì những đơn vị có đông học sinh dân tộc thiểu số sẽ tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh vào ngày thứ 7 hàng tuần. Cùng với đó, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ kinh phí học tập, cấp phát sách vở, hỗ trợ tiền ăn trưa…
Đặc biệt, những năm gần đây, việc thực hiện các chương trình, dự án mới như Vnen, Sequap, Oxfam đã giúp các trường học có những bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Điển hình như chương trình Sequap đã hỗ trợ xây dựng thêm phòng học và hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh dân tộc và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chương trình Vnen và Oxfam hỗ trợ tích cực trong việc đầu tư đồ dùng dạy học cũng như nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên thông qua các lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh, cung cấp các kỹ năng, phương pháp dạy học mới.
Hiệu quả đáng ghi nhận nhất là qua việc triển khai các dự án, hầu hết học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số đã dần phát huy được tính tích cực, chủ động, hình thành được các kỹ năng hoạt động nhóm cũng như sự tư duy, sáng tạo trong học tập. Qua đó, các trường học đã dần thu hút được học sinh đến trường, hạn chế tối đa số lượng học sinh bỏ học qua từng năm.
Theo bà Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thì nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên chất lượng giáo dục bậc tiểu học hàng năm đều có những chuyển biến tích cực. Theo đó, hệ thống trường lớp ngày càng được kiên cố hóa, đáp ứng được nhu cầu dạy và học ở các nhà trường, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hàng năm luôn chiếm trên 50%. Tỷ lệ học sinh yếu, kém và ngồi nhầm lớp ngày càng giảm dần. Tỷ lệ học sinh dân tộc có học lực khá, giỏi ở môn tiếng Việt ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhờ đó, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt trên 90%. Nguồn: Báo Đăk Nông