Để trúng tuyển ĐH ngay từ nguyện vọng 1
Lượt xem:
Chiều 14.3, học sinh lớp 12 của TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có mặt tại Hội trường Quang Trung để tham dự chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức.
Học sinh TP.Quy Nhơn (Bình Định) đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này chiều hôm qua – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất
Điều mà học sinh (HS) luôn băn khoăn là giữa nhiều đợt xét tuyển và rất nhiều nguyện vọng, thì làm thế nào để trúng tuyển ở ngay nguyện vọng đầu tiên? Ông Châu Minh Quí, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing, đưa ra lời khuyên: “Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015, thí sinh có thể đăng ký tối đa 8 môn bao gồm toàn bộ các khối ngành truyền thống trước đây. Thí sinh nên lựa chọn những tổ hợp môn mà mình có mức điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển vào nguyện vọng 1 với 4 ngành học khác nhau trong cùng 1 trường ĐH. Ví dụ thí sinh thi 5 môn toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh thuộc 2 khối A và D, thì nên xem khối A điểm cao hơn hay khối D cao hơn? Sau đó, nên sắp xếp thứ tự 4 ngành theo mức độ yêu thích nhất, yêu thích… và xem mức điểm của mình cao hay thấp để đăng ký vào trường tốp trên hay trường trung bình…”. Ông Quí lưu ý thêm, trong khi đăng ký nguyện vọng 1, thí sinh nên chọn những ngành học có nội dung kiến thức gần gũi nhau như quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing… để trong trường hợp nếu không trúng tuyển ngành thứ nhất thì vẫn có sự yêu thích, gắn bó với các ngành chọn sau.
Tiến sĩ Trần Thanh Long, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: “Để trúng tuyển ngay nguyện vọng 1, trước hết thí sinh cần nỗ lực ôn thi, chuẩn bị tốt kiến thức. Khi điểm thi cao thì cơ hội trúng tuyển ngay từ đầu cũng sẽ cao. Cần chọn phương pháp học tập và có thái độ học tập nghiêm túc, đồng thời có chế độ dinh dưỡng tốt để đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, thí sinh cần theo dõi, cập nhật thông tin tại các trường ĐH-CĐ để biết được mình phù hợp với trường nào, ngành nào”.
HS Nguyễn Thu Thủy, Trường Quốc học Quy Nhơn, lo lắng khi xét nguyện vọng 1 gồm 4 ngành ở một trường ĐH, nếu không đạt ngành ưu tiên thứ nhất, thì ngành thứ 2 có được xét chung với các bạn chọn ngành này làm ưu tiên thứ nhất hay không? Thạc sĩ Nguyễn Trần Phước Bảo, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, giải đáp: “Các trường ĐH-CĐ sẽ xét theo từng ngành. Do đó, bạn nào đăng ký ngành ưu tiên thứ 2 sẽ được xét chung với những thí sinh chọn ngành này là ưu tiên thứ nhất”.
Liên quan đến điểm ưu tiên khu vực, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng trong năm 2015 sẽ không thay đổi. Theo đó, nhóm ưu tiên 1 được cộng 2 điểm, nhóm ưu tiên 2 được thêm 1 điểm. Các khu vực ưu tiên cách nhau 1/2 điểm, trong đó khu vực 1 được cộng 1,5 điểm.
Nên học ở thành phố lớn hay ở địa phương ?
Một HS lớp 12A1 Trường Quốc học Quy Nhơn có chị gái học ngành ngôn ngữ Anh ở ĐH Đà Nẵng mong muốn có nhiều cơ hội việc làm ở thành phố lớn. Do đó, học sinh này băn khoăn không biết mình có nên chọn theo chị hay học một trường ĐH ngay địa phương? Tiến sĩ Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, phân tích: “Những thành phố lớn có nhu cầu nhân lực cao hơn ở tỉnh là chính xác. Tuy nhiên, khi chọn ngành các em nên căn cứ vào sở thích, sức học, năng lực về tài chính, nhu cầu công việc ở nơi mà thí sinh muốn ở lại và xin việc sau khi học xong. Tại Bình Định, khu lọc hóa dầu sắp đi vào hoạt động sẽ giải quyết 30.000 việc làm trực tiếp và 100.000 việc làm gián tiếp. Do đó thí sinh vẫn có thể xét tuyển và học tại các trường ở địa phương”.
HS Hoàng Văn Dũng, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, muốn biết ngành công nghệ sinh học gồm chuyên ngành gì và cơ hội việc làm ra sao. Tiến sĩ Hồ Nhật Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho biết: “Tốt nghiệp ngành công nghiệp sinh học, sinh viên có thể làm việc trong các cơ quan nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm như thực phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học”. Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ thêm: “Sinh viên học ngành này được cung cấp kiến thức liên quan đến tế bào gốc, gien, sinh học phân tử… để ra trường có thể làm các công việc như: bảo tồn giống gien quý, trong lĩnh vực y học, thực hiện xét nghiệm, dược thực phẩm…”.
Sáng nay (15.3), chương trình Tư vấn mùa thi tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh (H.Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).