Bạo lực học đường ngày càng dã man, tàn bạo, có thể chết người
Lượt xem:
Theo PGS Văn Như Cương, vấn đề bạo lực học đường đang ngày càng phát triển và có tính chất nguy hiểm.
Thời gian gần đây, các vụ bạo lực học đường xảy ra liên tục và có tính chất phức tạp, PV báo Người đưa tin đã có cuộc phỏng vấn ngắn với PGS.TS Văn Như Cương về vấn đề này.
-Thưa PGS.TS Văn Như Cương, thầy đánh giá như thế nào về những vụ bạo lực học đường xảy ra liên tục trong thời gian gần đây?
-Vấn đề bạo lực học đường ngày càng phát triển, đó là một sự thật không thể chối cãi. Trong đó, tính chất bạo lực học đường ngày càng nguy hiểm hơn. Trước đây, học sinh vẫn có những trận đánh nhau nhưng chỉ thụi nhau một cái, đá nhau một cái rồi thôi. Ngày nay, tính chất bạo lực nó có những điểm rất khác biệt.
Thứ nhất, các vụ đánh nhau rất tàn nhẫn, có tính chất căm thù chứ không phải đơn giản kiểu bực mình thì đánh nhau.
Thứ hai, các vụ đánh nhau có tính chất hội đồng, thường xuyên, có tổ chức, có hẹn hò.
Thứ ba, các vụ đánh nhau dường như không sợ hãi, còn quay clip để chứng tỏ cho mọi người cùng biết.
Thứ tư, nữ sinh cũng tham gia đánh nhau, trước kia điều này không có. Thậm chí đánh cũng tàn bạo, không kém gì nam giới.
Không tính về mặt số lượng, chỉ riêng tính chất bạo lực học đường khác biệt hơn nhiều so với trước kia. Đó là mức độ dã man, tàn bạo, thậm chí có thể dẫn đến chết người…
-Theo PGS. TS Văn Như Cương, vì sao xã hội càng phát triển, vấn đề bạo lực càng có xu hướng gia tăng?
-Tôi cho rằng, người ta vẫn nói 3 cái nguyên nhân thì đúng cả, đó là gia đình – xã hội – học đường. Nhưng gia đình vẫn là yếu tố mang tính chất quyết định.
PGS.TS Văn Như Cương cho rằng, gia đình vẫn là yếu tố quyết định đến sự
gia tăng bạo lực học đường.
Sự gắn kết trong nội bộ gia đình hiện nay rất lỏng lẻo, không như trước kia. Trước đây, gia đình phải có gia phong, gia giáo, ông nói thì bố mẹ, con cháu phải nghe, bố nói con phải nghe… bây giờ thì hình như không được như thế. Cha không nói được con, bố mẹ dường như sợ hãi con cái.
Ngoài ra, trong gia đình, bố mẹ dành ít thời gian cho con cái. Trong nhiều gia đình, thực trạng bố đi làm buổi chiều về phải đi uống bia, con cái thì ăn cơm sớm rồi học thêm, ông bà ăn cơm sau rồi đi tập thể dục hay làm gì đó… thường xuyên xảy ra. Dường như sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình là rất ít.
Không chỉ vậy, ngày nay, các bậc bố mẹ có quan tâm nhưng không biết nhiều về giáo dục mới, bài vở mới để bày cho con cái hay cùng học với con cái.
Thêm nữa, số gia đình bất hạnh (ly thân, ly hôn…) ngày càng tăng lên, con cái không được ở với bố mẹ, mà phải ở với ông bà. Thậm chí, có những gia đình không ly hôn nhưng bố tù, mẹ tội, buôn gian bán lận, ma túy…
Đó là những gia đình không có điều kiện giáo dục tích cực con cái. Người ta cho rằng kiếm được đồng tiền là trên hết mà không nghĩ rằng con cái là báu vật của mình. Làm ra bao nhiêu mà con cái vào tù, tội, trộm cướp, giết người thì tiền nong đó cũng đổ xuống sông, biển. Chúng là báu vật nhưng họ lại không thân thiết, bỏ mặc.
Phía nhà trường cũng có nhiều khuyết điểm, học quá nặng nề, căng thẳng, trẻ con không được giáo dục làm người cho tốt mà chỉ học chữ là nhiều. Bố mẹ nói dối cho con cái, con cái vi phạm khuyết điểm thì bố mẹ lu loa trách mắng nhà trường. Thậm chí, bố mẹ có thể đánh đập con tàn nhẫn nhưng giáo viên động đến con cái mình 1 tí thì lu loa lên.
Còn xã hội thì rõ rồi, báo chí là thế, phim ảnh là thế, sách tham khảo, truyện tranh… không mang một tính chất gì hết. Bài hát cho trẻ con không có, trẻ con hát bài tình ca người lớn, trẻ con xem phim nhảm nhí thì nhiều, báo chí toàn cướp – giết – hiếp…
Cần ấy lí do khiến cho sự xuống cấp về mặt đạo đức của trẻ con là không tránh khỏi.
-Theo PGS. TS Văn Như Cương, làm thế nào để cải thiện tình trạng bạo lực học đường trong xã hội hiện nay?
-Việc này không khó, chúng ta không có thì giờ thôi. Chúng ta quá chú trọng về học văn hóa, trí lực, trí tuệ, kiến thức… những thứ phần lớn là vô bổ, không mang lợi ích thiết thực gì vào cuộc sống.
Nếu có thời gian thì cho trẻ con dã ngoại, cùng công tác làm việc, làm từ thiện… Bọn nhỏ sẽ có thái độ thân thiện giữa người với người. Nếu các cháu biết được đi làm từ thiện, ủng hộ các bạn cùng tuổi ở bệnh viện này, bệnh viện khác… chúng sẽ thấy nhiều người bằng tuổi mình gặp khó khăn, chúng sẽ cố gắng hơn. Có thể thấy, việc giáo dục tinh thần đồng loại, yêu thương nhau cũng có nhiều cách.
Cảm ơn PGS.TS Văn Như Cương về cuộc trao đổi!
Mộc Miên
Nguồn : Người đưa tin